Thứ sáu, 19/04/2024 - 21:13|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Xuân Ninh

Dạy và học theo phương pháp dự án tại trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định – trò sáng tạo, thầy tận hiến

Hướng tới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (năm 2018) với mục tiêu giáo dục học sinh rèn luyện tốt các phẩm chất năng lực, giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo luôn tự hoàn thiện kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, thường xuyên sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại với mong muốn luôn trao gửi những bài dạy tốt nhất nhằm hình thành cho học trò những năng lực cốt lõi cũng như những năng lực đặc biệt.

Trong số rất nhiều các hoạt động dạy và học đã triển khai, các dự án dạy học đã thực sự phát huy được khả năng thực hành và sáng tạo của học sinh. Thông qua phương pháp này học sinh là người tiếp cận vấn đề, tự đưa ra các phương pháp cũng như hoạt động cần tiến hành để giải quyết vấn đề đó bằng chính kỹ năng làm việc nhóm với các ban thành viên để thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích tạo nên sản phẩm dự án,  trình bày và bảo vệ dự án đó và cũng chính học sinh là người đánh giá các sản phẩm dự án.

Vậy vai trò của giáo viên có phần mờ nhạt trong dạy học dự án không? Trong dạy học dự án, hình ảnh người thày là trung tâm, cầm tay chỉ việc không còn nữa. Giáo viên trong dạy học dự án trở thành các hướng dẫn viên, các tham vấn viên, giáo viên là người mở đường để tạo môi trường tốt nhất cho học sinh hoàn thiện dự án. Giáo viên phải nắm bắt được sự liên quan của môn học tới các vấn đề của cuộc sống, hình thành ý tưởng về dự án liên quan đến nội dung học, và đặc biệt phải biết phân vai cho học trò trong dự án để làm cho vai trò của người học gắn với nội dung cần học và đặc biệt để phát huy hết khả năng của học trò trong từng vai các em đảm nhận.

Dưới mái trường THPT Trần Hưng Đạo, rất nhiều dự án đã được gọi tên. Với dự án “Hát văn hầu đồng – di sản thế giới trên đất Thành Nam ” những người con Nam Định thêm yêu quê hương, những học sinh Nam Định nhận thức nhiều hơn trách nhiệm của mình - không chỉ là gìn giữ báu vật này, mà còn phải phát huy giá trị của nó trong đời sống hôm nay. Hay dự án “Yoga – bệnh tật lùi xa”, sau buổi báo cáo dự án, rất nhiều học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo hiểu sâu hơn về bộ môn này và rất nhiều người tìm đến phương thức rèn luyện, bảo vệ sức khỏe dường như còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng thực tế đã  bắt nguồn từ 5000 năm trước.            

Mới đây dự án “Covid-19 – thái độ và hành động của chúng ta” được thực hiện bởi nhóm học sinh đến từ lớp 11A6 do thầy giáo Trịnh Minh Nghĩa và cô giáo Đào Thị Thủy Chung hướng dẫn. Thầy cô chia sẻ chính học sinh đề xuất ý tưởng thực hiện dự án trong bối cảnh đại dịch bùng phát toàn cầu, thông qua quá trình thực hiện dự án bên cạnh việc học sinh được rèn luyện kỹ năng, phát huy sự sáng tạo còn chứng tỏ một tín hiệu rất đáng mừng – học sinh thực sự đã được giáo dục tốt về tình yêu quê hương đất nước, các giá trị sống tốt đẹp và đặc biệt là trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, cộng đồng.

Giáo dục hiện nay đòi hỏi thầy cô “phải lớn lên từng giờ”, bởi thầy cô thực sự là yếu tố hàng đầu. Vì tương lai của người học, vì những phẩm chất năng lực cần thiết để các em chuẩn bị hành trang bước vào đời, học trò rất cần những phương pháp dạy học tích cực bước ra từ lý thuyết, rất cần những người thầy đủ nhiệt để truyền lửa, rất cần những nhà giáo dục đủ tầm, đủ tâm để tận hiến.

Báo cáo dự án – trình bày học sinh lớp 12A9 – trường THPT Trần Hưng Đạo

 

Clip báo cáo dự án – trình bày học sinh lớp 11A6 – trường THPT Trần Hưng Đạo

https://www.youtube.com/watch?v=6IP9kpYkXQw&feature=youtu.be

Báo cáo dự án “Covid-19 – thái độ và hành động của chúng ta” được thực hiện bởi nhóm học sinh đến từ lớp 11A6 do thày giáo Trịnh Minh Nghĩa và cô giáo Đào Thị Thủy Chung hướng dẫn.

Lượt xem: 36.159
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3
Hôm qua : 3
Tháng 04 : 65
Năm 2024 : 728